Đối diện với cảm xúc tiêu cực và làm chủ cuộc sống, tại sao không?
Đối diện với cảm xúc tiêu cực và làm chủ cuộc sống, tại sao không?
Cảm xúc tiêu cực luôn hiện hữu chi phối cảm xúc con người. Tuy nhiên, nhiều người không thể nhận ra những cảm xúc tiêu cực của bản thân hay không thể đối diện với nó. Học cách đối diện với cảm xúc tiêu cực là việc làm cần thiết để làm chủ cuộc sống và sống hạnh phúc, ý nghĩa.
Cảm xúc tiêu cực là gì?
Cảm xúc tiêu cực là cảm xúc bi quan, là cảm giác buồn bã, chán nản. Người có cảm xúc tiêu cực luôn tự ti về bản thân, giảm lòng tự trọng, mất dần sự đam mê và nhiệt huyết với cuộc sống hiện tại của bản thân.
Biểu hiện của cảm xúc tiêu cực
Cảm xúc tiêu cực rất đa dạng về mặt hình thức, có thể là tức giận, buồn bã, xấu hổ, ganh ghét. Những cảm xúc này là cảm xúc tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nếu bạn bị những cảm xúc như vậy kéo dài và chi phối cảm xúc tự nhiên của bạn, khiến bạn mất dần cảm xúc tích cực, thì lúc này, bạn nên tìm cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực hoặc nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia tâm lý.
Một số cảm xúc tiêu cực thường thấy
Cảm xúc tức giận
Cảm giác tức giận luôn xuất hiện hàng ngày và với bất kì ai. Chúng ta tức giận vì cảm thấy không hài lòng hoặc bởi một ai đó mắc lỗi lầm với mình. Một mặt, việc tức giận như một cách để giúp đối phương nhận ra lỗi lầm nhưng mặt khác, nó làm chúng ta luôn cảm thấy khó chịu với những gì diễn ra xung quanh mình và ảnh hưởng xấu tới cảm xúc của bản thân.
Cảm giác buồn bã
Cảm giác buồn bã xuất hiện khi chúng ta gặp điều gì đó không vui, không như ý hay khi những sự cố, những bi kịch bất ngờ xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. Cảm xúc buồn bã là tất yếu, cuộc sống muôn màu muôn vẻ, có thăng có trầm, có niềm vui nỗi buồn, đó mới là cuộc sống. Điều bạn cần làm là chấp nhận cảm xúc buồn bã và tích cực trở lại, vì những điều tốt đẹp luôn chờ đón ở phía trước.
Cảm giác lo lắng
Chúng ta luôn cảm thấy lo lắng, bất an về những điều rủi ro có thể xảy ra trong tương lai như lo lắng trước một kì thi, lo lắng về sức khỏe, về thiên tai, tai nạn,... Vì thế, hãy trang bị cho bản thân sự chuẩn bị tốt nhất để tự tin, có đủ dũng khí vững bước đi đến tương lai, từ đó, bạn sẽ không cảm thấy lo lắng như trước.
Cảm xúc hối hận
Chúng ta thường cảm thấy hối hận về những chuyện đã qua, về những sai lầm trong quá khứ và luôn trách móc bản thân, đổ lỗi cho chính mình và khao khát có được cơ hội làm lại. Tuy nhiên, thời gian một đi không trở lại, chuyện gì đã qua cũng không thể làm lại. Vì thế, hãy nhìn nhận những sai lầm của bản thân và phấn đấu vì những lý tưởng, những mục tiêu trong tương lai, rút ra bài học kinh nghiệm để không mắc phải sai lầm cũ.
Cảm xúc tiêu cực có tác hại gì?
Khi con người xuất hiện những cảm xúc tiêu cực, lập tức não bộ sẽ tiết ra những hoóc môn stress, điển hình là: Cortisol, Adrenaline, Norepinephrine. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ cực kỳ có hại cho cơ thể như gây ra chứng mất ngủ, thường xuyên mệt mỏi, stress. Lượng oxi trong máu giảm cũng ảnh hưởng nhiều đến phổi và hệ thống trao đổi khí. Không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, cảm xúc tiêu cực còn gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, hệ tuần hoàn như gây ra các chứng đau đầu, đau nửa đầu, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch,...
Cảm xúc tiêu cực cũng sẽ ngăn lý trí của bạn kiểm soát những suy nghĩ và hành động của bản thân. Điều đó có thể khiến cho bạn luôn trọng trạng thái buồn khổ, suy nhược và khó có thể khắc phục và tích cực trở lại, điển hình là hội chứng trầm cảm và rối loạn lo âu.
Cảm xúc tiêu cực đến từ đâu?
Cảm xúc tiêu cực thường xuất hiện khi cuộc sống bạn có biến cố khiến cho bạn không vui, chán nản. Người thường xuyên có cảm xúc tiêu cực là những người không yêu bản thân, luôn tự ti, thiếu lòng tự trọng và thiếu sự đam mê, nhiệt huyết để có thẻ phấn đấu.
Cách đối diện với cảm xúc tiêu cực
Tìm ra nguyên nhân gây nên cảm xúc tiêu cực
Việc đầu tiên bạn cần làm đó là tìm ra nguyên nhân dẫn đến cho bạn những cảm xúc tiêu cực và tìm giải pháp. Việc cố gắng vượt qua cảm xúc là cần thiết nhưng nó sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không giải quyết vấn đề. Bởi khi bạn cố gắng xóa bỏ cảm xúc tiêu cực nhưng vấn đề vẫn ở đó, vẫn chi phối cảm xúc của bạn từng ngày, từng giờ và trở thành một vòng tròn luẩn quẩn khiến bạn không thoát ra được.
Học cách chấp nhận những cảm xúc tiêu cực
Trong cuộc sống, sẽ có những lúc bạn có những cảm xúc tiêu cực và cảm xúc tích cực. Và những cảm xúc đó là cần thiết cho một cuộc sống tinh thần ổn định. Vì thế, hãy học cách đối diện với cảm xúc tiêu cực và phát triển cảm xúc tích cực để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi gặp vấn đề, hãy nhìn nhận vấn đề bằng một thái độ nhẹ nhàng và bình tĩnh giải quyết vấn đề. Lúc này, cảm xúc tiêu cực có thể xuất hiện nhưng không làm ảnh hưởng hay chi phối ý chí của bạn, bởi bạn vẫn sẽ luôn lạc quan, luôn tiếp tục cố gắng cải thiện.
Thư giãn để giải tỏa cảm xúc tiêu cực
Khi bạn gặp cảm xúc buồn bã, tiêu cực, hãy nghe nhạc. Âm nhạc có khả năng loại bỏ cảm xúc tiêu cực, giải tỏa những căng thẳng, phiền muộn và thúc đẩy những cảm xúc hạnh phúc.
Ngoài ra bạn cũng có thể thư giãn để giảm cảm giác tiêu cực bằng cách đọc sách, nghe nhạc, thiền định.
Tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục không chỉ nâng cao sức đề kháng, mà khi bạn vận động, não bộ sẽ tiết ra dopamine đem lại cảm giác vui vẻ, hạnh phúc đồng thời ức chế các chất gây căng thẳng.
Quản lý cảm xúc tiêu cực bằng cách viết nhật ký
Viết nhật ký là một cách hiệu quả để bạn giải phóng cảm xúc. Hãy ghi lại tất cả những gì bạn cảm thấy, ghi lại những cảm xúc tiêu cực của bạn vào cuốn sổ nhật ký và bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bạn cũng có thể viết về vấn đề bạn đang gặp phải, từ đó sẽ dễ dàng có cái nhìn tổng quát về vấn đề và có khả năng sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp tốt hơn.
Cảm xúc tiêu cực có thể không tốt nhưng đôi khi nó lại là động lực để bạn phấn đấu hơn trong cuộc sống, là tiếng còi báo hiệu bạn cần phải nhìn nhận lại bản thân, phải yêu thương lấy chính mình, yêu cả những cảm xúc của mình. Học cách đối diện với cảm xúc tiêu cực là điều cần thiết trong quá trình tự nhận thức và phát hiện những nét đẹp của bản thân như các giá trị tiềm ẩn hay những dự định tươi sáng mà bạn luôn ấp ủ.